Với ưu thế dễ khai thác bằng smartphone mà không cần kết nối mạng, tiền mã hóa Pi đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng ‘đào’ tiền điện tử trên khắp thế giới.
Pi Network được nhóm phát triển giới thiệu là loại tiền ảo có thể được “đào” trực tiếp trên smartphone, không cần sử dụng siêu máy tính. Những ứng dụng “đào” tiền ảo khác như Electroneum (ETN) thường tiêu tốn tài nguyên thiết bị của người dùng để giải mã thuật toán, nhưng việc “đào” Pi không ảnh hưởng đến hiệu suất điện thoại, không làm cạn kiệt pin hay sử dụng dữ liệu mạng. Người “đào” cũng có thể tắt ứng dụng hay tắt mạng mà vẫn “đào” được Pi, chỉ cần sau mỗi 24 giờ truy cập vào ứng dụng một lần là có thể tiếp tục khai thác Pi.Theo giới thiệu trên trang minepi.com, Pi Network được tạo ra với triết lý “lấy con người làm trung tâm”, đặt sức mạnh của tiền điện tử vào tay người dùng, khác với Bitcoin vốn khó sử dụng và khó truy cập. Pi Network là đồng tiền để lưu thông, không phải để lưu trữ nên số lượng “đào” được sẽ không ảnh hưởng giá trị của Pi trong tương lai.
Dự án Pi Network khởi động từ ngày 14.3.2019 khi ứng dụng di động ra mắt. Tốc độ khai thác ban đầu là 3,1 Pi/giờ và sẽ giảm một nửa nếu số lượng người dùng tăng lên tới một mức nhất định. Đến cuối tháng 12.2020, ứng dụng đào Pi đã có hơn 10 triệu thành viên tham gia, tốc độ khai thác đã ở mức 0,2 Pi/giờ.Báo cáo cho biết dự án có 3 giai đoạn: Beta, Testnet và Mainnet. Pi Network hiện ở giai đoạn Testnet bắt đầu từ tháng 3.2020. Vì đang ở trong giai đoạn thử nghiệm nên đồng Pi chỉ có giá trị xấp xỉ 0 USD/Euro và người đào chưa thể rút Pi. Do đó, có hai lựa chọn: trực tiếp mua bán hàng hóa và dịch vụ trả bằng Pi với những thành viên hoạt động trên thị trường Pi Network, hoặc đợi đến giai đoạn Mainnet của dự án để đổi Pi lấy các loại tiền tệ khác trên sàn giao dịch tiền điện tử.
Để kiếm được những đồng Pi miễn phí, theo hướng dẫn thì người dùng phải tải ứng dụng Pi Network và tạo tài khoản, bấm vào “start” (bắt đầu), khi đó việc đào Pi sẽ diễn ra ngay cả lúc máy tính hay điện thoại không kết nối mạng. Người đào Pi có thể gia tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham gia cộng đồng và tăng thu nhập bằng cách xây dựng vòng tròn bảo mật. Vòng tròn bảo mật này là nhóm gồm 3-5 người đáng tin cậy được mỗi thành viên Pi xây dựng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận trên ứng dụng.Do có cách khai thác dễ dàng như vậy nên nhiều người nghi ngờ Pi Network chỉ là một trò lừa đảo. Trong khi đó, theo minepi.com thì đây là nỗ lực của một nhóm sinh viên tốt nghiệp Stanford với hoài bão tạo ra loại tiền điện tử cho phép mọi người truy cập, từ đó người dùng không cần phải mất phí giao dịch cho các bên trung gian như ngân hàng, cũng không cần lo ngại việc bên thứ ba xâm phạm quyền riêng tư.
Nguồn: Báo Thanh Niên